Đăng ký khám


Nội soi tán sỏi thận qua da, nên hay không nên?

Nội soi tán sỏi thận qua da là một phương pháp nội soi đặc biệt để điều trị sỏi thận và sỏi niệu quản hiệu quả cao. Đây là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, an toàn khi sỏi sẽ tự vụn và được hút ra ngoài.

Tán sỏi thận qua da là gì?

Lấy sỏi thận qua da là một phương pháp phẫu thuật nội soi để lấy sỏi ra khỏi thận. Khi phẫu thuật nội soi, bác sĩ sẽ tạo một đường hầm nhỏ từ hông lưng vào thận. Sau đó đưa máy soi vào tán nhỏ viên sỏi và lấy hết sỏi ra ngoài.

Nội soi tán sỏi thận qua da là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, hiệu quả cao

Đối tượng chỉ định nội soi tán sỏi thận qua da

Phương pháp nội soi này được áp dụng cho các đối tượng dưới đây:

  • Bệnh nhân có sỏi lớn hơn 2cm, bao gồm cả các sỏi san hô phức tạp
  • Trường hợp đã tán sỏi ngoài cơ thể nhưng thất bại

Nội soi tán sỏi thận qua da không được áp dụng với các trường hợp bệnh nhân có rối loạn đông máu, có những bất thường về mạch máu trong thận, có nguy cơ chảy máu nặng. Với các trường hợp cao huyết áp, việc chống chỉ định nội soi cũng chỉ là tạm thời.

Lợi ích của phương pháp nội soi tán sỏi thận qua da

  • Ít mất máu: trong phẫu thuật nội soi, tình trạng mất máu thường ít hơn nhiều so với phẫu thuật mở. Vì vậy, sẽ ít có nguy cơ cần phải truyền máu
  • Ít đau sau phẫu thuật: do không có vết mổ lớn ở thành bụng nên bệnh nhân sẽ ít cần thuốc giảm đau mạnh sau phẫu thuật; đồng thời bệnh nhân có thể trở lại làm việc và các hoạt động thường ngày sớm hơn so với phẫu thuật mở
  • Thời gian nằm viện ngắn hơn: hầu hết bệnh nhân sẽ về nhà hai hoặc ba ngày sau khi phẫu thuật (so với trung bình từ năm đến bảy ngày đối với phẫu thuật mở)
  • Vết sẹo nhỏ hơn: phẫu thuật nội soi giúp tránh để lại vết sẹo lớn như phẫu thuật mở (mặc dù vẫn có một vết sẹo nhỏ từ nơi ống soi đi qua da)
  • Tỷ lệ thành công cao: dao động trong khoảng 90-100%, tùy thuộc vào các đặc điểm của sỏi

Tán sỏi qua da có nguy cơ hay biến chứng nào không?

Mặc dù phương pháp nội soi này được công nhận là rất an toàn, nhưng cũng như bất kỳ phương pháp phẫu thuật khác, nội soi tán sỏi qua da vẫn có khả năng xảy ra những nguy cơ và biến chứng.

Các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra gồm:

  • Chảy máu trong thận và quanh thận: việc chảy một ít máu sau khi phẫu thuật là điều bình thường; trường hợp chảy máu nhiều đến mức cần phải truyền máu hiếm khi xảy ra (dưới 5% trường hợp phẫu thuật). Nếu máu vẫn tiếp tục chảy thì có thể cần thực hiện một thủ thuật can thiệp đặc biệt dưới X-quang gọi là thủ thuật thuyên tắc mạch chọn lọc để bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể can thiệp bít lại chỗ mạch máu đang chảy máu, ngăn chặn tình trạng xuất huyết. Trường hợp máu vẫn tiếp tục chảy thì cần phải làm phẫu thuật cắt bỏ thận. Biến chứng này rất hiếm khi xảy ra (chưa đến 1/1000 trường hợp)

Nguy cơ tiềm ẩn khi nội soi tán sỏi thận qua da

  • Nhiễm khuẩn: vì một số sỏi có chứa vi khuẩn bên trong, nên bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh để ngăn chặn tình trạng nhiễm khuẩn sau khi phẫu thuật. Tình trạng sốt sau khi thực hiện phẫu thuật này là điều bình thường (25% trường hợp), nhưng thường là sốt thoáng qua. Chỉ có 0.5% nguy cơ sốc nhiễm trùng máu
  • Sót mảnh sỏi vụn: đôi khi không thể lấy sạch sỏi trong quá trình phẫu thuật. Trong những trường hợp này bệnh nhân cần điều trị thêm bằng các phương pháp như tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung lực hoặc phẫu thuật nội soi tán sỏi niệu quản hoặc hiếm khi phải thực hiện tán sỏi lần thứ hai. Thông thường cuối cuộc mổ, bệnh nhân sẽ được đặt một ống thông niệu quản (là một ống rỗng nhỏ đi từ thận xuống bàng quang của bệnh nhân) để đảm bảo nước tiểu lưu thông từ thận xuống bàng quang hiệu quả
  • Tụ dịch (nước tiểu) sau phẫu thuật: sau phẫu thuật, hiếm khi có dịch rò rỉ từ thận gây tụ dịch bên trong bụng của bệnh nhân. Nếu phát sinh tình trạng tụ dịch nhiều, có thể cần phải dẫn lưu dịch. Thủ thuật này thường được thực hiện tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh. Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần đặt ống thông niệu quản. Ống thông niệu quản sẽ được lưu tạm thời cho đến khi các vấn đề đã ổn định; và có thể được rút ra trong vòng sáu tuần
  • Tổn thương các cơ quan lân cận.

Nguy cơ thường gặp (hơn 1/10 trường hợp)

  • Đặt tạm thời ống thông niệu đạo bàng quang (ống dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang qua niệu đạo đi ra ngoài) và ống thông niệu quản/ống thông thận. Các ống này sẽ được rút ra sau đó

  • Nước tiểu có lẫn máu (tạm thời)

  • Sốt thoáng qua

Nguy cơ ít gặp (khoảng 1/10 đến 1/50 trường hợp)

  • Đôi khi cần thêm một đường hầm vào thận để lấy sạch sỏi
  • Không đảm bảo lấy sạch sỏi và cần thêm một số thủ thuật hỗ trợ khác để lấy sạch sỏi
  • Sỏi tái phát
  • Không tạo được đường hầm vào thận nên cần chuyển sang các phương pháp khác.

Nguy cơ hiếm gặp (ít hơn 1/50 trường hợp)

  • Chảy máu nghiêm trọng ở thận cần truyền máu, thực hiện thuyên tắc mạch hoặc phải dùng đến phương pháp cuối cùng là phẫu thuật cắt bỏ thận
  • Tổn thương phổi, ruột, lá lách, gan nên cần can thiệp phẫu thuật
  • Tổn thương hoặc nhiễm khuẩn thận cần điều trị thêm
  • Hấp thụ quá nhiều dịch tưới rửa vào máu trong lúc phẫu thuật dẫn đến rối loạn chức năng tim

Những phương pháp điều trị thay thế tán sỏi qua da

Bác sĩ đã khuyến cáo rằng nội soi tán sỏi qua da là lựa chọn thích hợp nhất để loại bỏ sỏi thận. Tuy nhiên vẫn có một vài phương pháp thay thế. Các phương pháp có thể thay thế bao gồm:

  • Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung lực: phương pháp này sẽ phá vỡ sỏi của bệnh nhân bằng các sóng xung. Sỏi thận sẽ vỡ thành những mảnh vụn nhỏ mà bệnh nhân có thể đi tiểu ra ngoài. Phương pháp này không cần nằm viện

​​​​​​​Nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng laser

  • Nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng laser: là thủ thuật đưa một ống soi vào niệu đạo, đi vào bàng quang của bệnh nhân và đi lên niệu quản đến thận. Sau đó đưa dụng cụ tán sỏi vào để tán sỏi;
  • Phẫu thuật mở thận lấy sỏi: phương pháp này sẽ lấy sỏi qua một đường mổ mở ở hông lưng chứ không sử dụng ống nội soi qua da như nội soi tán sỏi qua da.

Thủ thuật nội soi tán sỏi qua da thường lấy sạch sỏi hơn phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung lực và có thời gian hồi phục nhanh hơn phương pháp mổ mở thận lấy sỏi. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào từng trường hợp riêng biệt như kích thước và vị trí sỏi trong thận của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ thảo luận chi tiết hơn về các phương pháp thay thế nếu thích hợp cho bệnh nhân hơn.

Để đặt kịch khám các bệnh lý liên quan tiết niệu tại Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn, vui lòng liên hệ hotline 1900 599 858 hoặc 091 585 0770 để được tư vấn và đặt lịch trong thời gian sớm nhất.

Liên hệ để được tư vấn

Bình luận của bạn

Vui lòng để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ gọi lại tư vấn ngay sau 15 phút.

Hoặc liên hệ với chúng tôi theo Hotline

091 585 0770

Copyright CÔNG TY TNHH BỆNH VIỆN ĐA KHOA BẢO SƠN

Đăng ký kinh doanh: 0105187884 Do sở Kế Hoạch & Đầu Tư Tp.Hà Nội cấp ngày 23/03/2018
Giấy phép hoạt động cơ sở khám chữa bệnh số 177/BYT-GPHD do Bộ Y tế cấp ngày 29/03/2021
Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược số 03-4785/ĐKKDD-HNO/CL1 cấp lại lần 1 do Sở Y tế cấp ngày 20/01/2020
Địa chỉ: 52 Nguyễn Chí Thanh, P.Láng Thượng, Q. Đống Đa, Hà Nội | Hotline: 0915850770 | Cấp cứu 24/7: 1900599858

top
facebook chat
facebook chat